<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Câu Chuyện Lịch Sử . . . .
Tác giả: Nguyễn Minh

Câu Chuyện Lịch Sử

Trò hề trong cuộc trưng cầu dân ý của Ngô Đình Diệm

Nguyễn Minh  23/10/2020

          Với âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam đã thực hiện cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955, phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng. Miền Nam dưới sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, theo như lời tuyên bố của Ngô Đình Diệm với Tổng thống Mỹ Aixenhao, “biên giới của thế giới tự do kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý dưới thể chế tự do của Ngô Đình Diệm đã diễn ra như thế nào ?  Có thật là người dân miền Nam được tự do lựa chọn người lãnh đạo của mình hay không ?

          Mỹ từng bước thay chân Pháp ở miền Nam

          Ngày 7/7/1954, theo sự sắp đặt của Mỹ, ngô Đình Diệm được đưa về thay Bửu Lộc làm Thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam.

          Ngày 8/8/1954, 18 ngày sau khi Hội nghị Giơnevơ kết thúc, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ do Tổng thống Aixenhao chủ trì, chính thức quyết định chủ trương thay chân Pháp tại Việt Nam. Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ ra Quyết định số NSC 5429/2 với 4 nội dung cơ bản: Mỹ trực tiếp viện trợ cho quân đội Sài Gòn không qua Pháp; Pháp chỉ được viện trợ 100 triệu USD trong tổng số 400 triệu USD viện trợ của Hoa Kỳ cho miền Nam Việt Nam; Pháp phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam và phải ủng hộ Ngô Đình Diệm; Loại bỏ Bảo Đại, tay sai lâu đời của Pháp.

          Mỹ và Chính quyền Ngô Đình Diệm rêu rao khẩu hiệu “Đả thực, bài phong”. “Đả thực” là hất cẳng Pháp khỏi miền Nam, buộc quân đội viễn chinh Pháp nhanh chóng rút khỏi miền Nam, xóa bỏ bộ máy cai trị của Pháp. “Bài phong” là gạt tay chân Pháp ra khỏi hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đưa những phần tử thân Mỹ hoặc trở cờ theo Mỹ vào bộ máy chính quyền.

          Ngày 9/10/1954, Ngô Đình Diệm cách chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Hinh, tay sai Pháp. Hàng loạt sĩ quan quân đội thân Pháp bị thanh trừng. Các tổ chức thân Pháp như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyện bị chính quyền Ngô Đình Diệm cắt hết các nguồn kinh tài (sòng bạc, nhà hàng, cơ sở làm ăn), buộc phải theo chính quyền nếu muốn tồn tại, những lực lượng chống đối bị Ngô Đình Diệm mở các chiến dịch quân sự đàn áp khốc liệt. Các phần tử thân Pháp như tướng Nguyễn Văn Vỹ, Lại Văn Sang, Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) . . . bị buộc phải quy hàng nếu không muốn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, hoặc bị chết mờ ám như Tướng Trịnh Minh Thế của Cao Đài (đã quy hàng Ngô Đình Diệm). Cơ bản đến tháng 10/1955, các thế lực quân sự chống chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị dẹp tan.

          Trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại

          Cở bản dẹp yên được các mối lo về quân sự, Ngô Đình Diệm chủ trương tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để phế truất Bảo Đại, suy tôn Ngôn Đình Diệm một cách công khai, hợp pháp.

          Ngày 4-10-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm mời đại diện 15 tổ chức đoàn thể, đại diện các tầng lớp nhân dân miền Nam, thành lập Ủy ban trưng cầu dân ý. Ủy ban ban hành một kiến nghị yêu cầu chính phủ truất phế Bảo Đại, suy tôn Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng.

          Ngày 6-10-1955, chính phủ Ngô Đình Diệm quyết định tổ chức trưng cầu dân ý để quốc dân chọn lựa ai sẽ làm Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam. Ngày 8-10-1955, Bộ Nội vụ ấn định tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955.

          Ngay sau khi có chủ trương trưng cầu dân ý, bộ máy tuyên truyền của chính phủ Quốc gia Việt Nam làm việc hết tốc lực. Hệ thống phát thanh miền Nam ngày đêm ra rả những bài vè nói xấu Bảo Đại, ca ngợi Ngô Đình Diệm, định hướng việc bỏ phiếu. Người miền Nam còn nhớ những bài vè kiểu như “Vè vẻ vè ve, Nghe vè Bảo Đại, Là quân ăn hại, Theo gót thực dân . . .”. Báo chí ra sức bới móc chuyện đời tư của Bảo Đại, đặc biệt là chuyện ăn chơi trai gái, bài bạc, hút xách, không lo cho dân, chỉ lo du hý nước ngoài…Đài phát thanh suốt ngày phát bài hát có lời “Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý / Bầu cho, bầu cho người nào / Bầu người chống cộng bài phong / Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý / Đứng lên, toàn quốc viết trang sử mới . . .” . Bộ máy tuyên truyền của chính quyền miền Nam hoàn toàn do Ngô Đình Diệm thao túng, nên Bảo Đại hầu như không có cơ hội “phản pháo”, kể cả nhiều chuyện người ta bịa đặt cho mình.

          Không những tự do tuyên truyền bêu riếu đối thủ, chính quyền Ngô Đình Diệm còn nắm cả tổ chức, bộ máy tiến hành cuộc trưng cầu dân ý. Việc Bảo Đại sẽ bị phế truất, Ngô Đình Diệm sẽ được suy tôn, chỉ còn là vấn đề thời gian.

          Ngày trưng cầu dân ý, phiếu trưng cầu được phát ra với hai câu hỏi.:

Câu 1 : “Tôi truất phế Bảo Đại và chấp thuận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam, với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ.”

Câu 2 :  “Tôi không truất phế Bảo Đại, và không chấp nhận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng để đặt nền móng dân chủ.”

          Câu hỏi dài dòng, có phần trúc trắc, nhưng không sao, chính quyền Ngô Đình Diệm đã có cách, in phiếu làm hai màu để người dân dễ nhận biết. Câu hỏi số 1 được in trên phiếu màu đỏ, được cho là màu người dân Việt Nam ưa thích. Câu hỏi 2 được in trên lá phiếu màu xanh.

          Ban tổ chức trưng cầu dân ý đưa ra câu vè cho dân chúng dễ nhớ: “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”, “Phiếu đỏ ta bỏ vô bì / Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi.” “Xanh bỏ giỏ” nghĩa là lá phiếu số 2 màu xanh bầu cho Bảo Đại bỏ vào giỏ rác đặt dưới thùng phiếu. “Đỏ bỏ bì” là phiếu số 1, chọn Ngô Đình Diệm, bỏ vào phong bì rồi bỏ vào thùng phiếu, bầu cho Ngô Đình Diệm. Những người dân còn “lúng túng” trong bỏ phiếu được nhân viên bầu cử “hướng dẫn” tận tình và thông thường là họ thường nghe theo nhà chức trách chứ chả ai muốn chuốc họa vào thân để bỏ phiếu cho Bảo Đại cả.

          Tóm lại, từ khi chủ trương trưng cầu dân ý cho đến khi bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả, nghĩa là từ đầu đến cuối, chỉ có nhân viên chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm điều khiển tất cả các công việc. Chẳng có tổ chức quốc tế độc lập nào kiểm soát cả. Nói trưng cầu dân ý cho tự do, dân chủ, nhưng từ đầu đến cuối, chỉ có bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức và điểu khiển. Mặc dù cơ sở kinh tế xã hội liên quan đến người Pháp còn nhiều và vẫn còn một bộ phận người Việt còn ủng hộ Bảo Đại, nhưng với cách làm trên, Bảo Đại và phe nhóm thân Pháp hầu như không có một cơ hội nào để giành lấy vài phần trăm số phiếu chứ đừng nói là thắng cử.

          Kết quả “không thể đảo ngược”

          Với cách thức tuyên truyền và tổ chức như trên, cuộc trưng cầu dân ý được cho là tự do, dân chủ dường như đã được định đoạt kết quả ngay từ khi nó được chủ trương.

          Trong số 5.960.302 cử tri miền Nam lúc đó, có 5.828.907 cử tri đi bỏ phiếu, trong đó có 5.721.735 phiếu (98,16 %) suy tôn Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng. Ngoài số phiếu trắng và không hợp lệ, chỉ có 63.017 phiếu ủng hộ Bảo Đại (chiếm 1,1 %). Kết quả, Ngô Đình Diệm thắng áp đảo. Bảo Đại bị phế truất.

          Bộ máy trưng cầu dân ý làm việc mẫn cán đến mức, có địa phương, số phiếu ủng hộ Ngô Đình Diệm thậm chí còn nhiều hơn số cử tri đăng ký. Việc này cũng không phải diễn ra ở một địa bàn xa xôi, mà ngay tại Sài Gòn, Thủ tướng Ngô Đình Diệm được 605.025 lá phiếu trong khi khu vực này chỉ có 450.000 cử tri đăng ký.

          Lực lượng ủng hộ Ngô Đình Diệm mít tinh sau cuộc trưng cầu dân ý (Ảnh tư liệu)

          Sau cuộc trưng cầu dân ý “độc diễn” của Ngô Đình Diệm, Bảo Đại bị phế truất và lưu vong ở nước ngoài, từ bỏ luôn tham vọng chính trị, vì ông biết với cách thức tổ chức như của Ngô Đình Diệm, lại được Hoa Kỳ hậu thuẫn, việc duy nhất ông có có thể làm là ăn chơi nốt quãng đời còn lại.

          Đỗ Mậu, một viên tướng của chính quyền Sài Gòn đã viết về cuộc trưng cầu dân ý như sau : “Năm 1955, với vị thế là cán bộ chính trị trung niên của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, với tư cách là chủ tịch phong trào Cách mạng Quốc gia của bốn tỉnh duyên hải khu vực Nam Trung phần, tôi đã hăng say hoạt động cho chiến dịch truất phế Bảo Đại mà tôi cho là không còn đủ khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống cộng, và không còn đủ vóc dáng để khai mở một kỷ nguyên dân chủ cho đất nước nữa. Thật ra thì dân ý đang đòi hỏi và hướng về một cuộc thay đổi gốc rễ để đáp ứng với biến đổi mới của thời đại, và ông Diệm trên mặt chính trị không cần gian lận và trên mặt luân lý không cần dùng thủ đoạn vu khống hạ nhục Bảo Đại thì cũng có thể, một cách rất lương thiện và dân chủ, thắng phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý này. Nhưng những tài liệu do Bộ Thông tin Sài Gòn gởi ra cũng như những chỉ thị mật của Phong trào Cách mạng Quốc gia từ Huế gởi vào cho tôi đều chủ yếu tập trung vào việc lên án những tội lỗi của Bảo Đại: Bảo Đại bù nhìn, Bảo Đại dâm ô, Bảo Đại tham nhũng, Bảo Đại vô đức vô tài . . . Lên án không chưa đủ, chỉ thị còn bắt phải khơi dậy lòng căm thù Bảo Đại trong quần chúng nữa !  Cả một chiến dịch bao trùm từ Cà Mau đến Bến Hải, chính quyền yểm trợ trên cả hai mặt nội dung lẫn phương tiện, hung hăng và rầm rộ tìm cách đạp Bảo Đại xuống bùn dơ của lịch sử. Cả nước được vận động để phỉ nhổ Bảo Đại như là một hiện thân xấu xa nhất, hơn cả Lê Chiêu Thống và Lê Long Đĩnh. Hai đài phát thanh Sài Gòn và Huế, phối hợp với báo chí trong gần một tháng trời, liên tục mạt sát Bảo Đại và thúc giục dân chúng quất roi và đốt lửa những hình nộm Bảo Đại. Chiến dịch to lớn của một nhân vật quốc gia chống cộng (theo Mỹ) để truất phế một nhân vật quốc gia khác cũng chống cộng (nhưng theo Tây) còn tàn độc và khủng khiếp hơn chiến dịch hạ bệ Bảo Đại của kẻ thù là cộng sản Việt Minh thời 1948, 1949, khi giải pháp Bảo Đại mới ra đời để đối phó với Hồ Chí Minh”.

          Với thắng lợi tuyệt đối trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955, ngày 26/10/1955, Quốc trưởng Ngô Đình Diệm ra mắt dân chúng, ra bản Tuyên cáo, công bố thành lập nền Cộng hòa. Tiếp theo bản tuyên cáo, Quốc trưởng Ngô Đình Diệm công bố bản Hiến ước tạm thời để điều hành việc nước trong khi chờ đợi một hiến pháp mới. Hiến ước tạm thời nói rõ: Quốc gia Việt Nam là một nước Cộng hòa, Quốc trưởng, đồng thời cũng là thủ tướng chính phủ, lấy danh hiệu là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

          Với cuộc trưng cầu dân ý “độc quyền”, Ngô Đình Diệm đã củng cố quyền lực, mở đầu việc xây dựng chế độ thực dân mới được Hoa Kỳ hậu thuẫn tại miền Nam Việt Nam.

          Chế độ tự do, dân chủ được nhiều người ca ngợi ở miền Nam Việt Nam những năm 1954-1975 đã được mở đầu như thế.

          Nguyễn Minh

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Loạt ảnh về Trại Lê Văn Duyệt trụ sở Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô .
Về quy mô vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Tài Liệu Lịch Sử : Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa Năm 1969
Hồ Đắc Huân : Người thu nhặt những mảnh vỡ lịch sử của một Quân Đội bị bức tử
Những sự kiện nghiêm trọng đã từng xảy ra thời chế độ Ngô Đình Diệm :
Cướp Chùa, Chiếm Đất Để Xây Nhà Thờ
Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Xuân Thảo
Ba Ngày Cuối Tháng 8 Năm 1963 : Tài Liệu Giải Mật Của Chính Phủ Mỹ
1963 – 2013 - Năm Mươi Năm Nhìn Lại : Jean Baptiste Ngô Đình Diệm - Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền, 1897-1954
1963 – 2013 – Năm Mươi Năm Nhìn Lại : Bát Cơm Bảo Hộ Của Ngô Đình Khôi
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3149284
Có 1 Khách Đang Online